Đau nhức chân khi thức dậy vào buổi sáng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng công việc và hoạt động trong ngày.
Thông thường, chúng ta sẽ cảm thấy tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng. Tuy nhiên, nhiều người gặp phải tình trạng mỏi, tê bì chân khi thức dậy.
Điều này có thể là do bạn không ngủ đủ giấc hoặc triệu chứng cảnh báo sức khỏe có bất thường. Nhiều người bị mỏi và đau nhói ở chân thường không cần điều trị và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số người bị ảnh hưởng sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Không nhận đủ oxy trong hệ thống tuần hoàn
Theo Live Strong, điều này có thể là do vấn đề về hô hấp như xoang, dị ứng mũi, ngưng thở khi ngủ và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Bạn cũng có thể gặp cùng vấn đề như vậy khi bị thiếu sắt. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng gọi là hội chứng chân không nghỉ, ảnh hưởng trong suốt thời gian nằm ngủ. Bạn sẽ có cảm giác kiến bò hoặc ngứa, chân không thể để yên.
Kéo giãn chân hoặc đi bộ khoảng vài phút có thể giảm nhẹ tạm thời các triệu chứng trên.
Đau mỏi chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Ảnh: Bmjtherapy.
Đôi chân hoạt động quá mức vào ngày hôm trước
Thông thường, mức độ đau nhức mà bạn cảm thấy vào buổi sáng tỷ lệ thuận với áp lực mà đôi chân của bạn đã trải qua ngày hôm trước.
Những hoạt động thể chất, tập thể dục dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả việc đơn giản như đi bộ, đều kích thích chân và gây ra mệt mỏi. Điều này có nghĩa là nếu bạn bị đau và cứng bàn chân sau một ngày bắt đầu tập thể dục, đó có thể là tình trạng đau cơ khởi phát muộn. Đây là dạng nhẹ nhất của hiện tượng rách vi mô do mệt mỏi.
Khi tình trạng quá tải này xảy ra, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa vào ban đêm khi chân được nghỉ ngơi. Bản thân quá trình sửa chữa này góp phần khiến cho bàn chân bị đau nhức. Nếu nguyên nhân là đau nhức cơ bắp sau khi tập thể dục, bạn không nên quá lo lắng. Chúng có thể biến mất sau 24-72 giờ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng khó chịu buổi sáng tái diễn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn tập luyện quá sức, dẫn đến chấn thương.
Chấn thương
Áp lực quá lớn đến bất kỳ mô nào trong cơ thể đều dễ dẫn đến rách vi mô. Theo thời gian, nó sẽ gây đau và chấn thương.
Thường xuyên bị đau chân vào buổi sáng là một trong những tín hiệu đầu tiên cho thấy bạn gặp vấn đề nghiêm trọng hoặc chấn thương như viêm gân mạn tính. Tình trạng này có thể gây viêm, kích ứng và làm suy giảm chức năng của gân trong thời gian dài.
Theo Hệ thống Y tế Đại học Northshore (Mỹ), bệnh viêm cân gan chân (dải mô nối xương gót chân với ngón chân) là một trong những thủ phạm phổ biến nhất của chứng đau gót chân.
Để giúp giảm bớt sự khó chịu, bạn hãy cố gắng tạm ngừng các hoạt động gây đau ở bàn chân. Nếu cơn đau kéo dài, bạn nên tìm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để có kế hoạch điều trị thích hợp.
Viêm khớp là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau nhức chân khi thức dậy. Ảnh: Clevelandclinic.
Viêm khớp
Theo Webmd, đau chân mạn tính, cứng khớp và sưng tấy cũng có thể do viêm khớp và là dấu hiệu cảnh báo tình trạng này.
Viêm xương khớp thường liên quan quá trình lão hóa. Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như chấn thương khớp, béo phì, di truyền, vấn đề giải phẫu như hình dạng và sự liên kết của khớp.
Duy trì trọng lượng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên khớp, giảm đau và hoạt động tốt hơn. Trong khi đó, vật lý trị liệu có thể cải thiện tính linh hoạt và phạm vi chuyển động, tăng cường cơ bắp ở bàn chân.
Suy giáp
Theo Healthline, suy giáp có thể gây đau gót chân vào buổi sáng. Sự phá vỡ các chất hóa học và hormone trong cơ thể dẫn đến viêm và sưng tấy ở bàn chân, mắt cá chân, gót chân. Nó cũng có thể gây ra hội chứng đường hầm cổ chân, nơi dây thần kinh chày ở bàn chân bị chèn ép hoặc tổn thương.
Nếu bị đau gót chân không rõ nguyên nhân vào buổi sáng và có thêm các triệu chứng như ăn không ngon, da tái xanh, táo bón…, bạn có thể cần đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng của tuyến giáp.
Bài thuốc trị ôn bệnh
Ôn bệnh là tên chung chỉ nhiều loại nhiệt bệnh cấp tính do ôn tà gây ra. Đặc điểm chung là phát bệnh nhanh, bệnh mới phát đã có hiện tượng nhiệt, dễ hóa táo thương âm.
Loại hình ôn bệnh có rất nhiều, quy nạp ở phong ôn, xuân ôn, thử ôn, thấp ôn, phục thử (đông ôn), thu táo. Bệnh chủ yếu biểu hiện ở vệ, khí, dinh, huyết và tạng phủ thuộc tam tiêu. Sau đây là một số bài thuốc trị ôn tà ở phần khí.
Khi tà ở phần khí, nhiệt tích ở phế: người bệnh có biểu hiện sốt, ho, khát nước, rêu lưỡi vàng nhờn; hay gặp trong viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Bài thuốc Thanh phế thang: mạch môn đông 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 4g, hoàng cầm 8g, thiên môn đông 12g, bối mẫu 12g, quất hồng 4g, tang bạch bì 12g. Các vị sắc 3 bát nước, đun cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống một lần. Nếu đờm dính khó ra, thêm qua lâu tử 8g; nhiều đờm, thêm bán hạ 8g; khí suyễn, thêm hạnh nhân; ho tức ngực, thêm chỉ xác 8g, cát cánh 8g.
Tang bạch bì là vị thuốc trong bài “Tả bạch thang” trị ôn tà ở phần khí, người bệnh phát sốt rồi ho, đờm nhiều và dính đặc,…
Người bệnh phát sốt rồi sinh ho, đờm nhiều và dính đặc, sắc vàng như mủ, hơi thở gấp, rêu lưỡi vàng và nhờn bẩn; hay gặp trong ho gà, viêm phổi, viêm khí quản, áp-xe phổi mủ, bệnh tim phổi mạn tính, hen suyễn…
Bài thuốc Tả bạch thang để thanh phế điều trung: tang bạch bì 40g, địa cốt bì 40g, cam thảo 20g. Các vị sấy khô tán bột mịn, mỗi lần dùng 20g bột cùng với nước sắc 20g gạo tẻ, 30g lá trúc diệp (đun với 2 bát nước, cạn còn 1 bát, bỏ bã), uống nóng 1 lần. Gia giảm: nếu sốt cao, thêm tri mẫu 12g, hoàng cầm 12g.
Người bệnh sốt, đau đầu, ho khan không đờm, khí nghịch mà suyễn, ngực đầy, tâm phiền, họng khô mũi ráo, lưỡi khô không rêu, mạch hư đại mà sác; hay gặp ở viêm phế quản, giai đoạn phục hồi sau viêm phổi, họng tê mất tiếng.
Bài thuốc Thanh táo cứu phế thang: thạch cao 20g, tang diệp 12g, hạnh nhân 12g, a giao 12g, tỳ bà diệp 12g, cam thảo 4g, nhân sâm 12g, hồ ma nhân 12g, mạch môn đông 20g. Các vị đun với 5 bát nước, cạn còn 2 bát, bỏ bã, chia uống 2 lần. Gia giảm: đờm nhiều, thêm bối mẫu 12g, qua lâu 12g; huyết khô gia sinh địa 24g; nhiệt nhiều, thêm thủy ngưu giác 12g, linh dương giác 4g hoặc ngưu hoàng 4g.
Khi nhiệt thịnh ở dương minh gây sốt cao, mặt đỏ, ra mồ hôi, thở mạnh, phiền khát, sợ nóng, nước tiểu vàng sẫm, mạch hồng đại; hay gặp trong viêm gan B, sốt xuất huyết, viêm màng não tủy, sởi, viêm phổi,…
Bài thuốc Bạch hổ thang: tri mẫu 24g, cam thảo 8g, thạch cao 40g, gạo tẻ 1 chén. Các vị đun với 10 bát nước, khi gạo chín là được, bỏ bã, uống nóng 1 bát, ngày uống 3 lần. Công dụng: thanh nhiệt, ích khí, bảo vị, dưỡng âm.
Ho lâu ngày gây hư phế, thương tổn cả khí lẫn âm, ho sặc ít đờm, thở ngắn, ra nhiều mồ hôi, người mệt nhọc, miệng khô, lưỡi ráo, mạch hư sác hoặc tế hư; hay gặp trong các bệnh nhiệt, sốc, loạn nhịp tim, bệnh mạch vành tim, suy tim, xuất huyết các khiếu…
Dùng bài Sinh mạch tán: nhân sâm 10g, ngũ vị 6g, mạch môn đông 15g. Các vị đun với 3 bát nước, cạn còn 1 bát, chia uống làm 2 lần. Nếu mồ hôi chưa dứt, sắc thêm một liều nữa, khi nào mồ hôi thật cầm hẳn mới thôi.
Gia giảm: Mùa hạ uống bài Sinh mạch, thêm hoàng kỳ 12g, cam thảo 5g, gọi là Sinh mạch bảo nguyên thang, khiến cho khí lực phục hồi nhanh chóng; lại gia thêm đương quy 12g, bạch thược 12g, gọi là Nhân sâm ẩm tử để chữa chứng khí hư, suyễn khái, thổ huyết, nục huyết.