24 t.uổi, khi đang là huấn luyện viên thể hình (PT) và là chỗ dựa của gia đình thì Ngân bị tai nạn gãy tay. Nữ PT đã đổ không ít mồ hôi, nước mắt và cả những ngày tuyệt vọng để có thể tiếp tục công việc này.
Ngân nổ lực rất nhiều trong tập luyện để quay lại với công việc sau tai nạn – N.N
Vụ tai nạn tưởng chừng chấm dứt sự nghiệp của nữ PT trẻ
Đó là vào một ngày cuối tháng 4.2020, khi đang chạy xe từ quê Sóc Trăng lên TP.HCM để chuẩn bị đi làm trở lại sau đợt nghỉ kéo dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Nguyễn Ngọc Ngân bị va quẹt rồi té xe. Vụ tai nạn khiến cô bị gãy tay phải, gãy khuỷ tay, chân cũng bị chấn thương nặng.
“Lúc đó mưa lớn, em được người dân ở đó đưa vào bệnh viện. Ngay lúc té em đã cảm thấy không ổn rồi nhưng khi nghe bác sĩ thông báo bị gãy tay thì em khóc không ngừng, khóc không phải vì đau mà vì em biết rằng, với một huấn luyện viên thể hình mà bị gãy tay thì xem như chấm hết. Bao nhiêu nỗi lo cùng lúc bủa vây suy nghĩ của em, lo bản thân không thể quay lại công việc, lo cho cha mẹ ở nhà…”, Ngân nhớ lại.
Ngân sau đó phải phẫu thuật để nẹp lại xương và mất nhiều tháng liền phải ở yên trong nhà để giữ cố định tay. Từ một PT, suốt ngày trong phòng tập bây giờ lại phải nằm ở nhà nhiều tháng liền không làm được gì, mất việc, tinh thần cô suy sụp. Nhìn cảnh mẹ bị tai biến, em gái còn đi học chỉ có một mình cha loay hoay lo tất cả mọi việc cô cảm thấy mình rất vô dụng. Từ trụ cột của gia đình, mọi chi tiêu bây giờ đổ dồn hết sang vai người cha khiến Ngân day dứt, cô vì vậy quyết tâm bằng mọi cách phải quay trở lại được phòng tập.
2-3 tháng sau phẫu thuật, Ngân một mình bắt xe lên TP.HCM để tập vật lý trị liệu, dù vậy tay cô đã có thể co – gập nhưng vẫn không thể duỗi thẳng ra được như trước đây. Khi kết thúc quá trình vật lý trị liệu, trở về nhà cô quyết định quay trở lại phòng gym. Từ một người có thể nâng hàng chục kg tạ Ngân bây giờ bắt đầu tập lại bằng loại tạ 1kg.
“Ngày nào em cũng dành 2-3 tiếng đồng hồ ở phòng gym chỉ để luyện tay, ngày đầu tiên cầm cục tạ 1kg mà tay không thể nào nhúc nhích và vô cùng đau đớn, nước mắt em lăn dài. Trong tuần đầu tiên, em chỉ tập cầm cục tạ này thôi, rồi cuối cùng cũng nâng lên được, sau đó em nâng mức tạ tăng dần lên một chút. Sau một tháng thì tay phải của em đã nâng được mức tạ 5kg và lúc đó tay cũng bắt đầu có thể dãn thẳng ra, không bị co như trước đây nữa. Lúc này hy vọng quay trở lại nghề mới được nhen nhóm trở lại”, Ngân chia sẻ.
Dù vậy, chặng đường quay lại chế độ tập luyện bình thường Ngân phải nổ lực không ngừng nghỉ. Đều đặn mỗi ngày cô dành thời gian đến phòng gym, nâng tạ từng ngày dù có khi đêm về tay đau nhói.
“Mỗi lúc tập em đều cắn răng chịu đau, cũng có lúc đau quá em muốn bỏ cuộc, có khi 2-3 ngày liền em không dám bước tới phòng gym vì sợ. Nhưng khi về tới nhà, nhìn tình cảnh hiện tại của mình em không thể dừng lại, em lại lấy hết dũng khí để tiếp tục tập luyện. Nước mắt, mồ hôi cứ thế tuôn trào và phải mất chừng nửa năm, em mới bắt đầu dần hồi phục và lấy lại được phong độ của mình”, nữ PT nói.
‘ Tập thể thao đừng bao giờ nóng vội’
Biết đến gym khá sớm, từ hồi lớp 10 Ngân đã xin cha mẹ đến phòng gym tập luyện vì thân hình khá gầy gò. Hồi đó ở quê ít phòng gym, cũng hiếm ai biết đến bộ môn này, thời gian đầu không có người hướng dẫn nên Ngân chủ yếu chạy bộ, và bắt chước mọi người tập theo những động tác cơ bản. Sau này được anh chủ phòng gym hướng dẫn chút ít và cô bắt đầu có suy nghĩ sẽ ‘độ body’ theo khuynh hướng cơ bắp.
Từng được ví như một ‘lực sĩ’ phòng gym, nhưng sau tai nạn Ngân phải bắt đầu tập luyện lại với cục tạ 1kg, sau đó mới nâng dần lên để. Cô đã đổ rất nhiều nước mắt để có thể quay lại với nghề – N.N
Học xong THPT thì em quyết định lên Cần Thơ và theo tập tại một phòng gym ở đây. “Lúc đó em đã theo gym được 3 năm và nghĩ rằng mình đã biết tập, vì còn trẻ con, nhiều khi thích thể thiện và bắt đầu tập nặng hơn so với sức của mình. Điều này khiến bản thân em dính chấn thương liên hoàn và đấy là những bài học rất đắt giá cho một người theo con đường tập luyện này”, Ngân kể.
Dù đã tập khá lâu nhưng các bài tập Ngân chủ yếu bắt chước ở trên mạng nên không đúng kỹ thuật, cách hít thở cũng sai. Sau một lần bị thương, Ngân phải nằm ở nhà 2-3 tháng liền để cơ thể hồi phục trở lại, và phải mất gần một năm Ngân mới có thể quay trở lại tiếp tục tập luyện ở bộ môn này.
“Sau bài học nhớ đời đó, khi trở lại phòng gym hay tập bất kỳ bộ môn nào em cũng luôn luôn chú trọng kỹ thuật đầu tiên, không đặt nặng mức tạ và đặc biệt là không được nóng vội. Em học hỏi thêm nhiều từ những anh chị có kinh nghiệm, từ chế độ tập luyện đến dinh dưỡng, nghỉ ngơi và cũng từ đó em thật sự đam mê và mong muốn theo đuổi và xem đây là nghề nghiệp của mình”, Ngân nói.
Với cô công việc này khá khắc nghiệt, ngoài kiến thức, kỹ thuật đúng thì để trở thành PT mỗi người đều phải trải qua chế độ tập luyện nghiêm ngặt.
Chia sẻ về công việc hiện tại Ngân cho biết hiện đang làm việc ở một phòng gym, nhờ nổ lực tập luyện của bản thân nên cô đã trở lại với vai trò là một PT, công việc khá vất vả, có khi làm việc từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối nhưng em thật sự rất vui vì có thể quay trở lại nghề sau một năm khủng hoảng vì tai nạn.
Từ những chấn thương của mình, nữ PT khuyên các bạn trẻ khi đến với bất kỳ môn thể thao nào cũng không nên nôn nóng mà cần phải cho cơ thể thời gian để thích nghi dần dần với chế độ tập luyện, và quan trọng nhất phải đúng kỹ thuật để tránh những tai nạn đáng tiếc trong quá trình tập luyện.
Chấn thương thể thao – những điều cần biết
Các hoạt động thể dục thể thao giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc, tăng sức đề kháng và sảng khoái tinh thần.
Tuy nhiên, một số chấn thương trong lúc chơi thể thao có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách.
Chấn thương thể thao thường gặp chủ yếu là chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng. Chấn thương ở chân thường gặp hơn ở tay. Tùy theo loại chấn thương, vị trí và mức độ nghiêm trọng mà có những xử trí chấn thương khác nhau.
Đối với những chấn thương mới gặp phải, có thể áp dụng phương pháp RICE để sơ cứu chấn thương cơ bản.
Theo đó, R-Rest (nghỉ ngơi): Hạn chế vận động ở vùng chi bị thương. Cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. I-Ice (chườm lạnh): nhiệt lạnh rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng, viêm cũng như giúp giảm đau rất nhiều, chườm cách 2-3 giờ/lần, mỗi lần chườm 15-30 phút trong vòng 3 ngày đầu xảy ra chấn thương. C-Compress (băng ép): băng bó, ép chặt nhẹ vùng chấn thương bằng băng thun co giãn giúp hạn chế sưng.
Chú ý cách quấn tròn chi hay quấn kiểu số 8 ở vùng khớp, cũng như lực quấn không quá chặt. E-Elevate (kê cao chi): kê phần chi bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm.
Sau thời gian xử trí ban đầu bằng phương pháp RICE, nếu các triệu chứng không giảm nhiều, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định có cần điều trị bổ sung giúp hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không.
Với những trường hợp gãy xương, có thể cần phải phẫu thuật để giúp cố định xương trở lại vị trí ban đầu. Khi quá trình điều trị gần hoàn tất, một liệu trình vật lý trị liệu sẽ được đề ra cho mỗi cá nhân riêng biệt, giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và chuyển động của chi gãy, tránh teo cơ, tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch cũng như bổ sung chất dinh dưỡng đến xương gãy.
Người đang điều trị chấn thương nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ lượng canxi được khuyến khích giúp giảm nguy cơ bị gãy xương, điều này sẽ giúp xương chắc khỏe và giữ cho cơ thể cân đối và khỏe mạnh.