Món tiềm thuốc Bắc phù hợp nhiều người, đặc biệt là người suy nhược, thiếu m.áu, sau điều trị bệnh, phụ nữ sau sinh.
Món này cũng tốt cho người làm việc trí óc căng thẳng, cần bồi bổ sau thời gian làm việc, học hành quá sức. Đây là món ăn có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa cổ đại.
Theo y học cổ truyền, món tiềm giúp tăng cường khí lực, bổ m.áu, tăng sinh hồng cầu, sáng mắt, đẹp da, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa, kích thích tiêu hóa… Tuy có tính bổ dưỡng cao nhưng món tiềm không làm tăng cân ngoài ý muốn vì tỷ lệ bột đường khá thấp. Mỗi tuần có thể ăn 1-2 lần. Người ăn chay trường càng cần sử dụng thường xuyên hơn.
Có thể thực hiện món tiềm thuốc bắc chay với nấm, tàu hũ ky, đậu hũ chiên. Ảnh: Mộc Nguyên.
Cách chế biến món tiềm thuốc bắc (cho khoảng 4-6 người dùng)
Nguyên liệu
Nguyên liệu tiềm cho người ăn mặn: một con gà/vịt/giò lợn…, trọng lượng khoảng 1-1,2 kg.
Nguyên liệu tiềm cho người ăn chay: 300 g nấm đông cô (hoặc nấm đùi gà), 100-200 g tàu hũ ky, 2-4 miếng đậu hũ chiên.
Thang thuốc tiềm: Thục địa 15 g, đẳng sâm 12 g, đương quy 12 g, hoàng kỳ 12 g, liên nhục 12 g, hoài sơn 15 g, ý dĩ 15 g, kỷ tử 8 g, đại táo 12 g, trần bì 4 g.
Gia vị: muối, gừng, tiêu, nước tương.
Thực hiện
Rửa sạch từng vị thuốc, vẩy ráo nước, cho vào nồi, đổ nước ngập gấp 2-2,5 lần lượng thuốc và ngâm khoảng 30 phút.
Thang thuốc tiềm. Ảnh: Mộc Nguyên.
Món tiềm thuốc bắc mặn:
Ướp gà (hoặc vịt, giò lợn…) đã được làm sạch và chặt miếng theo sở thích với muối hạt và gừng đ.ập dập.
Cho các phần xương của gà/vịt như đầu, cổ, cánh vào nồi thuốc, đậy nắp nồi, bắc lên bếp, vặn lửa lớn đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa liu riu, nấu khoảng 30 phút.
Cho tiếp phần thịt gà/vịt/giò lợn vào nồi thuốc. Lượng nước ngập khoảng 2/3 nguyên liệu. Vặn lửa lớn cho sôi bùng sau đó hạ lửa nấu liu riu thêm khoảng 30 phút cho cả gà/vịt/lợn và thuốc mềm vừa ăn.
Nêm thêm một ít nước tương và muối vừa với khẩu vị rồi tắt bếp. Rắc tiêu vừa đủ. Các nguyên liệu đều có vị ngọt rất tự nhiên nên không cần thêm bột ngọt.
Món tiềm thuốc bắc mặn. Ảnh: Mộc Nguyên.
Món tiềm thuốc bắc chay:
Cắt nấm, tàu hũ ky và đậu hũ thành miếng vừa ăn.
Bắc nồi thuốc lên bếp, vặn lửa lớn đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa liu riu, nấu khoảng 30 phút.
Cho tiếp phần nấm, tàu hũ ky, đậu hũ, một ít muối hột, ít nước tương vào nồi thuốc, vặn lửa lớn cho sôi bùng sau đó hạ lửa nấu liu riu thêm khoảng 30 phút, sao cho cả nấm, tàu hũ và thuốc mềm vừa ăn là đạt.
Nêm thêm một ít nước tương, muối rồi tắt bếp, rắc tiêu vừa đủ.
Nếu không có thời gian canh lửa, có thể nấu món tiềm bằng nồi áp suất. Đổ cả thuốc đã ngâm nước và các nguyên liệu vào nồi áp suất, đảo đều, chọn chế độ và thời gian thích hợp. Với nấm và tàu hũ, nên cắt miếng lớn để tránh bị nhừ, nát.
Lưu ý nên mua thuốc ở các cửa hàng uy tín, trong các bệnh viện chuyên ngành.
Nước ép xoài sống, thức uống giải nhiệt cho ngày nắng nóng
Say nắng (còn gọi là sốc nhiệt) là tình trạng sức khỏe nguy hiểm thường gặp vào mùa hè.
Bởi sự kết hợp của nhiệt độ môi trường tăng cao và việc tiếp xúc lâu dưới nắng nóng khiến thân nhiệt tăng cao, kéo theo các triệu chứng nghiêm trọng như mất nước, mệt mỏi, suy nhược, suy chức năng đa cơ quan và mắc nhiều bệnh.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, nước ép xoài sống được dùng như một liệu pháp chữa say nắng hữu hiệu nhất, nhờ những lợi ích to lớn như sau:
Hạ thân nhiệt và làm mát cơ thể. Triệu chứng đầu tiên của say nắng là tăng thân nhiệt. Nhờ có tác dụng giải nhiệt, nước ép xoài sống giúp hạ nhiệt độ cơ thể khi say nắng, vốn có thể lên đến trên 40 0 C. Ngoài ra, loại thức uống dễ chế biến này còn có công dụng giải khát hữu hiệu khi cơ thể mất quá nhiều nước vì say nắng. Bởi nước ép xoài sống không chỉ cung cấp nước cho cơ thể, mà thành phần magiê và kali trong nước ép còn giúp cân bằng các chất điện giải và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Chữa khô và đỏ ửng da vì nắng nóng. Xoài sống rất giàu vitamin C, chất chống ôxy hóa mạnh giúp sản xuất collagen và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng Mặt trời. Vì thế, uống nước ép xoài sống giúp trẻ hóa và bảo vệ da khỏi bị khô và ửng đỏ vì cháy nắng.
Bình ổn nhịp tim. Say nắng có thể làm tăng nhịp tim vì tác động của nhiệt độ tăng cao ở ngoài trời. Nhờ dồi dào kali, magiê và chất chống ôxy hóa mangiferin, nước ép xoài sống có thể giúp giảm nhịp tim và cải thiện các chức năng tim.
Giảm chuột rút. Nhiệt độ quá cao có thể gây ra tình trạng co thắt không tự chủ các cơ lớn, dẫn đến chuột rút ở chân vào ban đêm. Nước ép xoài sống có công dụng chống co thắt, nên cũng giúp giảm nguy cơ chuột rút.
Chữa các triệu chứng say nắng. Khi bị say nắng, chúng ta vừa mất nước vừa mất muối nên dẫn tới suy nhược cơ thể. Không chỉ vậy, việc mất nước quá nhiều và thân nhiệt tăng cao khi say nắng còn dẫn tới cảm giác mệt mỏi và chóng mặt. Nhờ công dụng cân bằng điện giải và cấp nước, nên nước ép xoài sống là thức uống có thể chữa trị những triệu chứng đó. Hơn nữa, thành phần natri, kali và các ion điện giải khác trong nước ép còn cung cấp rất nhiều năng lượng hoạt động và cũng giúp cấp nước cho các tế bào.