Hiện có nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay nhưng sau đó chỉnh sửa lại ngày mua bán để “qua mặt” cơ quan chức năng, nhằm hợp thức hóa sổ đỏ.
Văn phòng đăng ký đất đai TP, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các trường hợp mua bán giấy tờ tay, cơ quan này đã phát hiện hàng ngàn trường hợp chỉnh sửa giấy tờ để hợp thức hóa.
Cụ thể, người dân đã điều chỉnh lại ngày mua bán đất để rơi vào khung thời gian từ ngày 1/7/2004 đến 1/1/2008 cho phù hợp với điều kiện nêu trong Nghị định 01. Tuy nhiên, các hồ sơ chỉnh thời gian này đều được lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện nhanh chóng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, ngoài việc căn cứ vào giấy tờ viết tay của người dân thì bộ phận xử lý hồ sơ còn phải thẩm tra từ danh sách báo cáo hàng năm, hình ảnh vệ tinh và kiểm chứng lại từ cán bộ địa bàn. “Vì vậy những trường hợp “qua mặt” cơ quan nhà nước đều sẽ bị phát hiện”, ông Thắng khẳng định.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM
nêu về thực trạng người dân chỉnh ngày trên giấy tờ mua bán nhà đất viết tay
Theo ông Nguyễn Tòa Thắng, người dân đang sử dụng nhà đất mua bằng giấy viết tay thuộc khung thời gian từ ngày 1/7/2004 đến 1/1/2008 cần chuẩn bị các tài liệu như sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu có).
– Một trong những giấy tờ quy định tại Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; các giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Sau đó, người dân c thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.
UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận về hiện trạng sử dụng đất vào hồ sơ. Nếu đất chuyển nhượng trước đó không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm tiến hành kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc trích lục, trích đo thửa đất; gửi số liệu địa chính về cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp; sau đó chuẩn bị hồ sơ để trình ký giấy chứng nhận.
Cuối cùng, sẽ trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi về UBND cấp xã để trao (nếu người đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại cấp xã).
Theo CafeF